Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương trên cả nước về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2018

Thứ hai - 09/07/2018 21:04
(Web Quảng Trị) Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 2/7/2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Đánh giá tình hình Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018".
Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu Quảng Trị
Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu Quảng Trị
Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Chính, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình 6 tháng đầu năm 2018, những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng cuối năm 2018.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 30/6/2018, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%), phản ánh sự đúng đắn và đi vào cuộc sống của chủ trương của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm, đó là tuy vẫn ở mức khá, nhưng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra 6,7% thì cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào quý III và 6,36% vào quý IV. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, liên tiếp hai tháng 5 và 6, chỉ số CPI đã có sự tăng mạnh so với tháng đầu năm. Đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%. Giá dầu thế giới đã có xu hướng chững lại, giảm được sức ép lên giá cả, lạm phát trong nước và kích thích sản xuất nhưng dự kiến còn 2 đợt giá cả có thể tăng cao, là vào dịp bắt đầu năm học mới và tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, cháy nổ, tai nạn giao thông có diễn biến phức tạp. Lũ sớm đã xảy ra tại các tỉnh miền núi phía bắc, nhất là Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thiên tai trong 6 tháng đầu năm đã làm 33 người chết và mất tích, thiệt hại ước tính khoảng 808 tỷ đồng. Chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, công tác phòng, chống thiên tai, cháy nổ và tai nạn giao thông cần được đặc biệt quan tâm nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra, bảo đảm ổn định xã hội và bảo vệ thành quả phát triển kinh tế-xã hội đã đạt được trong thời gian qua…
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để thảo luận về những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm cũng như đưa ra những kiến nghị, đề xuất, nêu những giải pháp nhằm đạt được những chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra vào cuối năm 2018.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cùng với 18 vấn đề nổi lên tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã phát biểu cụ thể, tập trung đưa ra các kiến nghị, giải pháp kịp thời để khắc phục. Bên cạnh những điều đáng mừng như thị trường tài chính Việt Nam đang có những diễn biến tích cực; xoá đói giảm nghèo, an ninh quốc phòng được bảo đảm; năng lực sản xuất ngày càng tăng cao và đạt ngưỡng cao liên tục trong phát triển kinh tế xã hội. Nhưng nhìn chung, đời sống nhân dân chưa thực sự cao, người lãnh đạo chưa thực sự vui..
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang đứng trước những nguy cơ, thách thức, đó là lạm phát, tham nhũng; tăng trưởng đều nhưng còn chậm, nợ công vẫn còn ở mức cao, bộ máy tổ chức chưa thực sự tinh gọn; năng suất lao động, hiệu quả nền kinh tế chưa cao…
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ ngành Trung ương và địa phương cần mạnh dạn hủy bỏ những điều kiện kinh doanh đi ngược lại nền kinh tế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm đầu. Cần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam bằng cách tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.  Không thể để tồn tại một bộ máy hành chính trì trệ, không cần nổ lực, thờ ơ, có cũng được, không có cũng được của một số cán bộ.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành hoàn chỉnh các thủ tục trình Thủ tướng những nội dung sửa đổi, cắt giảm một số điều kiện kinh doanh không cần thiết.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước thủ tướng chính phủ về những vụ việc mất an ninh trật tự ở địa phương. Từng thành viên Chính phủ, từng địa phương cần đánh giá lại ngành mình, địa phương mình xem đã thực hiện được gì, chưa làm được gì trong hơn nửa nhiệm kỳ qua.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, nâng cao tính hiệu quả, toàn diện của từng chương trình, dự án, kế hoạch hành động...
 

Tác giả bài viết: Phạm Mỹ Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2022

 

TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2022

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây