Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018

Thứ bảy - 30/12/2017 17:32
(Web Quảng Trị) Sáng 28/12/2017, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm triển khai nhiệm vụ kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Chính, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là hội nghị lớn nhất và quan trọng nhất của Chính phủ với các địa phương nhằm cùng thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện, các kết quả đạt được và những hạn chế, bài học kinh nghiệm trong năm 2017 cũng như xác định phương hướng, giải pháp thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2018.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng năm 2017 đã thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Cả hệ thống chính trị vào cuộc với niềm tin vững chắc và kiên định mục tiêu tăng trưởng. Đến nay, kết quả phát triển kinh tế  xã hội đã đạt được khá toàn diện, đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu Quốc hội đặt ra.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu dự hội nghị cùng thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, hạn chế để cùng nhau khắc phục. Chính phủ và các địa phương không được phép dừng lại mà tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn, tạo đà bứt phá mạnh mẽ. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ cùng các thành viên của Chính phủ sẵn sàng lắng nghe, trao đổi những ý kiến từ thực tiễn, từ các địa phương, cùng tiếp thu chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư để hoàn thiện và quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra trong năm 2018 và cả giai đoạn 2018-2021.
Tiếp theo chương trình hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế xã hội năm 2017; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giới hiệu dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày Báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017.
Theo đó, Chính phủ xác định phương châm hành động năm 2018 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Bốn trọng tâm chỉ đạo, điều hành được xác định gồm: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội; thực hành dân chủ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước.
Chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2018 được xác định: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8-10%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khoảng 10%; khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 15 triệu lượt; có 52 huyện và 37% xã đạt chuẩn nông thôn mới; thành lập mới khoảng 135.000 DN; Tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 41%; Hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) đạt khoảng 6,2%; Năng suất lao động tăng 5,9%; Tỷ lệ đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trên 43,5%. Tăng thu ngân sách nhà nước 3% so với dự toán Quốc hội giao; Tỷ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu; Chi đầu tư phát triển đạt 26% tổng chi ngân sách nhà nước, giải ngân chi đầu tư công đạt 100% dự toán Quốc hội giao; Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước khoảng 64,1%. Dư nợ công khoảng 63,9%; nợ Chính phủ khoảng 52,5%; nợ nước ngoài của quốc gia 47,6% GDP. Đơn giản hóa, cắt giảm 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành; Cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh; Năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh đạt mức ASEAN-4; Giảm 2,5% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2017; Giảm 1,7% biên chế công chức và giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015…
Dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đồng thời, Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện 242 nhiệm vụ cụ thể tại phụ lục kèm theo dự thảo Nghị quyết…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, năm 2017 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật là về kinh tế xã hội, lần đầu tiên trong nhiều năm, chúng ta hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Đây là năm được đánh giá thành công nhất trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, chủ động, tích cực hội nhập, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng đặc biệt lưu ý không chủ quan, thỏa mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường.
Vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi. Tệ nạn xã hội, vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông và tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn…
 

Tác giả bài viết: Phạm Mỹ Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2022

 

TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2022

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây