Cùng với công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) đất nước đã trải qua một chặng đường khá dài và đã thu được những thành quả bước đầu rất quan trọng. Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy rằng một điều kiện không thể thiếu để phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH là nhu cầu về vốn. Nhưng nguồn vốn trong nước lại không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Do đó, một nhiệm vụ quan trọng được đặt ra là phải thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ bên ngoài nói chung và nguồn vốn ODA nói riêng (nguồn vốn mà chính phủ, các cơ quan chính thức các nước hoặc các tổ chức phi chính phủ, quốc tế cho các nước đang và kém phát triển vay để phát triển kinh tế - xã hội). Kể từ năm 1993 khi Việt Nam bắt đầu bình thường hóa quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế, nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế đã nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam. Các nhà tài trợ đã ngày càng quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam và có những động thái hợp tác tích cực với Chính phủ Việt Nam trong vấn đề này.
Đặc biệt, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong mục tiêu quản lý nợ công nói chung, nợ nước ngoài và ODA nói riêng. Trong 23 năm qua (1993 - 2016) đã có hơn 80 tỷ USD mà các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam là con số không hề nhỏ đối với một đất nước đang phát triển với GDP chỉ hơn 160 tỷ USD. Nguồn vốn ODA đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp - nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực...Đồng thời, khẳng định sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Đối với tỉnh Quảng Trị, trong những năm gần đây đã thu hút được một lượng khá nhiều vốn đầu tư nước ngoài từ nguồn ODA phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh. Từ năm 1996 đến 2015 đã tích cực vận động, thu hút được 106 dự án ODA với tổng vốn ODA cam kết là 442,65 triệu USD, trong đó vốn ODA tài trợ không hoàn lại là 83,68 triệu USD và vốn ODA vay ưu đãi là 358,97 triệu USD. Nguồn vốn ODA đã có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị.
Nhưng thực tiễn quản lý ODA ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, quá trình thực hiện dự án ODA bị chậm ở nhiều khâu như chậm thủ tục, chậm triển khai, giải ngân chậm, tỷ lệ giải ngân thấp; khó khăn trong việc hài hòa hóa thủ tục, xung đột pháp luật, quy định về quản lý tài chính còn chồng chéo; công tác theo dõi đánh giá tình hình đầu tư ODA còn hạn chế; sự chồng chéo trong thủ tục chuẩn bị và triển khai đầu tư; lãng phí vốn ODA ở một số dự án điển hình.
Những nguyên nhân, hạn chế nêu trên là do những vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách cũng như hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, nhiều quy định còn chồng chéo; thủ tục hành chính liên quan đến việc thực hiện các chương trình, dự án ODA còn chưa nhất quán giữa các cấp chính quyền ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong việc sử dụng ODA, tác động đến tính bền vững của nguồn lực cho đầu tư phát triển…
Hiện tại, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình thấp, do đó nguồn vốn ODA từ các nhà tài trợ ngày càng ít và sẽ chuyển dần sang sử dụng vốn kém ưu đãi nên tiêu chuẩn dự án ODA ngày càng cao và khắt khe. Hơn nữa, việc vận động nguồn vốn ODA cho một chương trình, dự án từ bước đề xuất đến khi điều ước quốc tế được ký kết là cả quy trình phức tạp, tốn nhiều thời gian, sức lực nên đòi hỏi phải kiên trì ngoại giao, đáp ứng đủ yêu cầu của nhà tài trợ...
Đây thực sự là những rào cản lớn, không dễ gì vượt qua trong quá trình vận động ODA, nhất là đối với những địa phương còn khó khăn. Đối với một tỉnh còn nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương hàng năm trên 70% như Quảng Trị, thì việc thu hút, thực hiện và quản lý vốn hiệu quả ODA sẽ góp phần rất lớn để bổ sung vốn đầu tư phát triển cho tỉnh. Để làm được điều này, UBND tỉnh Quảng Trị cần ban hành kịp thời các văn bản của tỉnh liên quan đến việc điều chỉnh chế độ lương, các định mức chi tiêu đảm bảo công bằng, minh bạch giữa các dự án ODA không hoàn lại và ODA vay nợ.
Đồng thời chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, cần chủ động cân đối từ nguồn ngân sách được phân cấp quản lý để cân đối, bố trí theo tỷ lệ 10% tổng vốn đối ứng quy định tại Quyết định số 24/2013/QĐ-UBND ngày 1/10/2013 của UBND tỉnh. Chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tuân thủ các nội dung mà Hiệp định dự án đã ký kết, đặc biệt là các quy định về quản lý tài chính, chi tiêu, đấu thầu, mua sắm. Quan tâm ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo cam kết với các nhà tài trợ.
Chỉ đạo công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý vốn ODA theo hướng chuyên nghiệp hóa; nâng cao hơn nữa năng lực đội ngũ quản lý và thực hiện các dự án ODA. Công tác tuyển chọn người có năng lực làm việc và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cũng cần được chú trọng thực hiện. Bên cạnh đó, cần quán triệt sâu rộng tinh thần, vốn ODA phải được sử dụng với hiệu quả tốt nhất và nhất thiết không phải là một nguồn vốn cho không. Vốn ODA không những là động lực mà cần xem nó như là một nguồn lực để góp phần kiến thiết, xây dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, cũng cần có hệ thống thể chế pháp luật đồng bộ, rõ ràng, minh bạch và đội ngũ quản lý ODA chuyên nghiệp. Đây vừa là thách thức, vừa là đòi hỏi đối với công tác thu hút ODA của cả nước nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và của tỉnh Quảng Trị.
Tác giả bài viết: Lê Thị Thương