Chi tiết - Ban an toàn giao thông

Giáo dục cộng đồng

Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em: Vẫn còn chủ quan, đối phó


Ngày cập nhật: Ngày cập nhật:  11:12, Thứ Sáu, 13-12-2024

Tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em đã được cải thiện đáng kể, từng bước hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan, chưa nhận thức hậu quả của việc không đội mũ bảo hiểm cho con, em mình khi tham gia giao thông...

 

Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện 
quy định về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em năm 2015. (Ảnh: KT)
Ngày 24/2, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo, phối hợp cùng Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an, Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả triển khai Kế hoạch hành động số 419/KH-UBATGTQG ngày 31/12/2014 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về việc: “Thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em năm 2015” và thảo luận kế hoạch triển khai trong năm 2016.

Kế hoạch hành động thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em được phát động từ tháng 1/2015. Kế hoạch tập trung vào 02 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quy định đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em với vai trò chủ đạo là nhà trường và các cơ sở giáo dục; cao điểm kiểm tra, tuần tra kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm quy định pháp luật về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em.

Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch, ông Uông Việt Dũng – Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông theo quy định đã được cải thiện đáng kể, từng bước hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện. Theo số liệu báo cáo khai thác trên hệ thống cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ của Cục Cảnh sát giao thông từ ngày 16/3-15/11/2015 cho thấy, so với cùng kỳ năm 2014, số vụ TNGT liên quan đến trẻ em (từ 6-11 tuổi) giảm 39,4% về số vụ, giảm 37,5% số người chết và giảm 31,25% số người bị thương. Đặc biệt, từ sau khi triển khai thực hiện tuần cao điểm tuyên truyền, tuần tra kiểm sát xử lý vi phạm quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em (tháng 4/2015) đến hết năm 2015, các vụ TNGT từ nghiêm trọng trở lên liên quan đến trẻ em đã giảm so với cùng thời gian trước đó.

Đáng chú ý, nhiều địa phương không xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến vi phạm không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em như: Tây Ninh, Lạng Sơn, Kon Tum, An Giang…                                                     

Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất đánh giá Kế hoạch hành động đã được triển khai quyết liệt và đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong thời gian thực hiện cao điểm. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện Kế hoạch. Đó là vẫn còn một bộ phận người dân còn chủ quan, chưa nhận thức sâu sắc hậu quả của việc không đội mũ bảo hiểm cho con, em mình khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, điển hình nhiều phụ huynh lấy lý do nhà gần trường, vội đi làm nên không mang theo mũ bảo hiểm cho con, em mình; đội mũ bảo hiểm mang tính chất đối phó, không quan tâm đến chất lượng của mũ.

Công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, nhắc nhở, xử lý vi phạm ở hầu hết các địa phương mới chỉ làm quyết liệt trong thời gian diễn ra đợt cao điểm, không được duy trì thường xuyên. Mặt khác, lực lượng tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm mỏng, không quán xuyến được hết các địa bàn, nhiều trường hợp vi phạm chưa được nhắc nhở và xử phạt theo quy định nên chưa tạo sự răn đe mạnh, vi phạm vẫn tiếp diễn. 

Theo báo cáo nghiên cứu độc lập của Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á, ngay sau đợt cao điểm tháng 4/2015, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm tăng 32% so với cùng kỳ năm trước (tăng từ 36% vào tháng 3/2014 lên tới 68% vào tháng 4/2015). “Mặc dù tính trung bình, từ tháng 3/2014 đến tháng 12/2015, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em tăng 11% (từ 36% lên tới 47%), nhưng vào thời điểm cuối kỳ, tỷ lệ này giảm đáng kể so với thời gian diễn ra đợt cao điểm (giảm từ 68% xuống còn 47%)” – đại diện Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á cho hay.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận định: “Chúng ta đã rút được rất nhiều kinh nghiệm quý báu qua một năm triển khai Kế hoạch hành động lần này. Tỷ lệ chấp hành đội mũ bảo hiểm cho trẻ em ở các địa phương đều tăng lên tuy nhiên vẫn ở mức thấp và tỷ lệ không được duy trì ổn định; so với giai đoạn đầu của Kế hoạch khi chúng ta triển khai đợt cao điểm nhắc nhở, xử lý vi phạm thì đến giai đoạn sau tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em lại giảm xuống. Điều đó chứng tỏ rằng vai trò việc tăng cường sự giám sát, kiểm tra, nhắc nhở của nhà trường và việc thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm trong công tác xử phạt vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông là hết sức quan trọng”

Từ những vướng mắc trên, các địa biểu đều cho rằng để thực hiện tốt Kế hoạch thì công tác tuyên truyền phải xuyên suốt, liên tục, tập trung đúng đối tượng. Nội dung tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp, đặc biệt đối với lứa tuổi học sinh. Công tác tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, cán bộ, công chức, cha mẹ, thầy cô phải gương mẫu trong việc chấp hành đội mũ bảo hiểm cho con, em, học sinh và người thân mình, để từ đó tác động đến cộng đồng xung quanh noi gương chấp hành.../.

Nguồn tin: dangcongsan.vn

CÁC TIN KHÁC
VIDEO CLIP
  • pageHolder.getStart() - 0
  • pageHolder.getNumberObjects() - 8
  • numberArticle - 3
  • numberRelation - 5